Ong đốt trẻ em mối nguy từ những cánh bay tưởng chừng vô hại
Ong đốt là tai nạn thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ sống ở vùng nông thôn, ...
Ong đốt là tai nạn thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là những trẻ sống ở vùng nông thôn, miền núi hoặc thường xuyên chơi ngoài trời. So với người lớn, trẻ nhỏ có cơ địa nhạy cảm hơn, dễ bị các phản ứng dị ứng nghiêm trọng và biến chứng nguy hiểm sau khi bị ong đốt. Vì vậy, việc hiểu rõ mức độ nguy hiểm và cách xử trí kịp thời khi trẻ bị ong đốt là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của trẻ.
ONG ĐỐT TRẺ EM CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
1. Độc tố trong nọc ong và ảnh hưởng với trẻ
Nọc ong chứa các chất độc như Melittin, Phospholipase A2, Histamine... gây tổn thương tế bào, viêm, đau, sưng tấy. Ở trẻ em, do cơ thể còn non yếu, hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, độc tố này dễ gây ra các phản ứng nặng hơn so với người lớn.
2. Các phản ứng thường gặp ở trẻ bị ong đốt
Tại chỗ đốt: Trẻ sẽ đau dữ dội, nóng rát, sưng đỏ, ngứa ngáy kéo dài từ 1-2 giờ hoặc lâu hơn. Vết đốt có thể sưng to, gây khó chịu cho trẻ.
Phản ứng tại chỗ vết đốt
Phản ứng dị ứng: Trẻ có thể nổi mề đay, phát ban, phù mặt, sưng môi, cổ họng, gây khó thở, khò khè, thậm chí khó nuốt. Đây là dấu hiệu cảnh báo sốc phản vệ rất nguy hiểm.
Phản ứng dị ứng lan rộng
Phản ứng toàn thân: Khi trẻ bị đốt nhiều vết hoặc có cơ địa dị ứng, có thể xuất hiện các triệu chứng như mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy, tiểu máu, suy hô hấp, tụt huyết áp, thậm chí hôn mê, suy đa tạng, đặc biệt khi bị ong vò vẽ đốt nhiều lần.
Vết đốt trong miệng hoặc vùng đầu, mặt, cổ: Rất nguy hiểm vì có thể gây sưng tấy nhanh, làm tắc nghẽn đường thở, gây khó thở cấp tính, cần cấp cứu ngay.
3. Các biến chứng nguy hiểm
Sốc phản vệ: Đây là biến chứng cấp tính đe dọa tính mạng, thường xảy ra nhanh trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi bị đốt.
Suy đa tạng: Như suy thận cấp, suy gan, rối loạn đông máu do độc tố ong gây tổn thương tế bào.
Tổn thương mắt: Ong đốt vùng quanh mắt có thể gây viêm, áp xe, tăng nhãn áp, ảnh hưởng thị lực.
Nhiễm trùng thứ phát: Nếu vết đốt không được vệ sinh sạch sẽ.
Nhận biết các loại ong và mức độ nguy hiểm
Ong vò vẽ: Là loại ong có nọc độc mạnh, vết đốt thường gây đau dữ dội, sưng tấy lớn, dễ gây sốc phản vệ.
Ong vò vẽ có khoang đen xen kẽ vàng
Ong đất: Kích thước lớn, nọc độc mạnh.
Ong đất có phần thân màu đen, chấm vàng
Ong mật: Chỉ đốt một lần vì ngòi có ngạnh găm vào da, sau đó ong chết. Nọc ít độc hơn ong vò vẽ nhưng vẫn có thể gây dị ứng.
Đầu lưng của ong mật có lông xù, bụng trên có khoanh nâu, xen kẽ khoanh đen
Ong vàng, ong nghệ, ong bầu: Mức độ độc tùy loại, thường ít nguy hiểm hơn ong vò vẽ nhưng vẫn gây đau và dị ứng.
Vùng cổ và lưng trên của ong nghệ có màu vàng nghệ
Ong bầu bay chậm và phát ra tiếng ồn
CÁCH SƠ CỨU KHI TRẺ BỊ ONG ĐỐT
1. Lấy vòi ong ra khỏi da trẻ ngay lập tức
Vòi ong có thể còn găm trong da và tiếp tục tiêm nọc độc. Dùng nhíp hoặc móng tay nhẹ nhàng lấy vòi ong ra, tránh nặn ép mạnh làm nọc lan rộng.
2. Rửa sạch vết đốt
Dùng nước sạch và xà phòng rửa nhẹ nhàng vùng da bị đốt để loại bỏ vi khuẩn và độc tố còn sót lại.
3. Chườm lạnh
Dùng khăn sạch hoặc túi đá bọc trong khăn mềm chườm lên vết đốt khoảng 15-20 phút giúp giảm đau, sưng và ngứa.
4. Theo dõi sát các dấu hiệu nguy hiểm
Nếu trẻ có biểu hiện khó thở, sưng phù mặt, môi, cổ họng, tím tái, mệt lả, nôn ói, tiêu chảy, tiểu ít hoặc tiểu ra máu, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để cấp cứu kịp thời.
Đặc biệt khi trẻ bị đốt nhiều vết (trên 10 vết), hoặc bị đốt ở vùng đầu, mặt, cổ cần theo dõi chặt chẽ và không được chủ quan.
5. Không tự ý dùng thuốc bôi hoặc uống khi chưa có chỉ định của bác sĩ
Tránh bôi các thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc dân gian không đảm bảo vì có thể làm vết thương nặng hơn hoặc gây dị ứng.
Thuốc kháng histamin, giảm đau chỉ nên dùng khi được bác sĩ hướng dẫn.
Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Trẻ bị đốt nhiều vết, đặc biệt trên đầu, mặt, cổ.
Trẻ có dấu hiệu khó thở, sưng phù, tím tái, mệt mỏi, nôn ói, tiêu chảy, tiểu ra máu.
Vết đốt sưng to, lan rộng hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng.
Trẻ có tiền sử dị ứng với ong hoặc các phản ứng dị ứng nghiêm trọng trước đây.
Phòng ngừa ong đốt cho trẻ
Hạn chế cho trẻ chơi gần bụi rậm, cây cối có tổ ong.
Dặn trẻ không được chọc phá tổ ong hoặc đuổi ong bằng que gậy.
Khi đi chơi ngoài trời, nên cho trẻ mặc quần áo dài, màu sắc nhã nhặn, tránh dùng nước hoa, sữa dưỡng thể có mùi ngọt thu hút ong.
Nếu phát hiện tổ ong gần khu vực sinh hoạt của trẻ, cần liên hệ cơ quan chức năng hoặc chuyên gia để xử lý an toàn.
KẾT LUẬN
Trẻ em là nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và có nguy cơ cao gặp các biến chứng nghiêm trọng khi bị ong đốt. Việc nhận biết sớm các dấu hiệu nguy hiểm và sơ cứu đúng cách sẽ giúp giảm thiểu rủi ro và bảo vệ sức khỏe trẻ. Trong mọi trường hợp nghi ngờ phản ứng dị ứng hoặc bị đốt nhiều vết, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Phụ huynh cần trang bị kiến thức đầy đủ về ong đốt để chủ động phòng tránh và xử trí khi cần thiết, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra với trẻ.
Nguồn tham khảo:
Bệnh viện Nhi Đồng 1.(2020). Ong đốt. Trong Phác đồ điều trị Nhi khoa 2020(Tái bản lần thứ 9). TP. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Y học.
https://bvndtp.org.vn/nhan-biet-cac-loai-ong/
https://www.vinmec.com/vie/bai-viet/tre-bi-ong-dot-co-gay-ra-cac-phan-ung-di-ung-nguy-hiem-khong-vi
https://tamanhhospital.vn/so-cuu-ong-dot/
BS. Nguyễn Hồng Sơn, Khoa HS Nhi-SS - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp