Agrégateur de contenus

null Thai ngoài tử cung: Nguy hiểm tính mạng khi không được chẩn đoán và xử trí kịp thời!

Trang chủ Chi tiết bài viết

Thai ngoài tử cung: Nguy hiểm tính mạng khi không được chẩn đoán và xử trí kịp thời!

Mang thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh phát triển bên ngoài tử cung

  1. Thai ngoài tử cung là gì?

Mang thai ngoài tử cung xảy ra khi trứng đã thụ tinh phát triển bên ngoài tử cung. Hầu hết tất cả các trường hợp mang thai ngoài tử cung (hơn 90%) xảy ra trong ống dẫn trứng. Khi thai lớn lên, nó có thể gây vỡ ống dẫn trứng, dẫn đến chảy máu ồ ạt bên trong ổ bụng, là một trường hợp khẩn cấp đe dọa tính mạng cần được phẫu thuật ngay lập tức.

  1. Các yếu tố nguy cơ thai ngoài tử cung:

Các yếu tố nguy cơ của thai ngoài tử cung bao gồm:

  • Mang thai ngoài tử cung trước đây
  • Phẫu thuật ống dẫn trứng trước
  • Phẫu thuật vùng chậu hoặc bụng trước đây
  • Một số bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STIs)
  • Bệnh viêm vùng chậu
  • Lạc nội mạc tử cung

Các yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài tử cung của phụ nữ bao gồm:

  • Hút thuốc lá
  • Tuổi trên 35 tuổi
  • Tiền sử vô sinh
  • Sử dụng công nghệ hỗ trợ sinh sản, chẳng hạn như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)

Khoảng một nửa số phụ nữ mang thai ngoài tử cung không có các yếu tố nguy cơ đã biết. 

  1. Triệu chứng của thai ngoài tử cung:

Lúc đầu, thai ngoài tử cung có thể biểu hiện giống như mang thai điển hình, chẳng hạn như trễ kinh, căng ngực hoặc đau trằn bụng. Có thể có các dấu hiệu khác, bao gồm:

  • Chảy máu âm đạo bất thường
  • Đau lưng dưới
  • Đau nhẹ ở bụng hoặc xương chậu

Ở giai đoạn này, khó có thể biết được bạn đang mang thai điển hình hay mang thai ngoài tử cung. Khi có dấu hiệu bất thường như: chảy máu âm đạo và đau bụng nên đến khám bác sĩ chuyên khoa Phụ sản

Khi thai ngoài tử cung phát triển, các triệu chứng có thể nghiêm trọng hơn, đặc biệt là nếu ống dẫn trứng bị vỡ. Các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Đau bụng đột ngột, dữ dội
  • Đau lan lên vai
  • Hoa mắt, chóng mặt hoặc ngất xỉu

Ống dẫn trứng bị vỡ có thể gây chảy máu ồ ạt trong ổ bụng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, nếu có các dấu hiệu trên nên nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời.

  1. Làm thế nào để chẩn đoán thai ngoài tử cung?

Nếu không có các triệu chứng của vỡ ống dẫn trứng, bác sĩ chuyển khoa sẽ tiến hành các biện pháp để xác định vị trí phát triển của thai:

  • Khám phụ khoa
  • Tiến hành siêu âm để xem thai đang phát triển ở đâu
  • Xét nghiệm máu định lượng hocmon βhCG
  1. Chửa ngoài tử cung điều trị như thế nào?

Có hai phương pháp được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung: 1) dùng thuốc và 2) phẫu thuật. Cần phải theo dõi vài tuần với mỗi lần điều trị.

  1. Thuốc gì dùng để điều trị chửa ngoài tử cung?

Loại thuốc phổ biến nhất được sử dụng để điều trị thai ngoài tử cung là Methotrexate. Thuốc này ngăn không cho các tế bào phát triển, làm chấm dứt thai kỳ. Sau đó, thai sẽ được cơ thể hấp thụ trong 4–6 tuần. Với phương pháp này sẽ bảo tồn ống dẫn trứng.

  1. Methotrexate được sử dụng như thế nào?

Methotrexate thường được tiêm một liều. Trước khi bdùng methotrexate, bạn sẽ được xét nghiệm máu sẽ được thực hiện để đo nồng độ βhCG và các chức năng của một số cơ quan. Nếu nồng độ βhCG vẫn chưa giảm đủ sau liều đầu tiên, có thể khuyến nghị một liều methotrexate lặp lại. Bạn sẽ được theo dõi cẩn thận theo thời gian cho đến khi không còn tìm thấy βhCG trong máu.

  1. Những tác dụng phụ và rủi ro có thể xảy ra khi dùng methotrexate là gì?

Dùng methotrexate có thể có một số tác dụng phụ. Hầu hết phụ nữ đều bị đau bụng hoặc có thể ra máu âm đạo. Các tác dụng phụ khác có thể bao gồm:

  • Buồn nôn
  • Nôn mửa
  • Tiêu chảy
  • Chóng mặt
  1. Khi nào thì phẫu thuật để điều trị chửa ngoài tử cung?

Nếu thai ngoài tử cung đã bị vỡ ống dẫn trứng thì cần phải mổ cấp cứu. Đôi khi cần phải phẫu thuật ngay cả khi ống dẫn trứng chưa bị vỡ (trong trường hợp chống chỉ định điều trị nội khoa hoặc tỷ lệ thành công điều trị nội thấp). Trong những trường hợp này, thai ngoài tử cung được chỉ định phẫu thuật nội soi hoặc mở bụng cắt tai vòi chứa khối thai.

  1. Khi bị thai ngoài tử cung có ảnh hưởng đến những lần mang thai sau này không?

Khi có tiền sử mang thai ngoài tử cung, bạn sẽ có nguy cơ bị thai ngoài tử cung với những lần mang thai sau. Vì vậy, khi có dấu hiệu có thai, hãy theo dõi với các dấu hiệu và triệu chứng của thai ngoài tử cung cho đến khi bác sĩ chuyên khoa xác nhận rằng thai đang phát triển ở đúng vị trí.

Bs Đoàn Phú Vinh

Khoa Phụ Sản - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Tài liệu tham khảo:

https://www.acog.org/womens-health/faqs/ectopic-pregnancy

Agrégateur de contenus