Sisältöjulkaisija

null Đau thần kinh tọa

Trang chủ Chi tiết bài viết

Đau thần kinh tọa

Đau thần kinh tọa (sciatica pain) còn gọi là đau thần kinh hông to, biểu hiện bởi cảm giác đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa: đau tại cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, ...

BS. Huỳnh Thị Kim Cương

Khoa Nội HH-CXK, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

  1. ĐỊNH NGHĨA

Đau thần kinh tọa (sciatica pain) còn gọi là đau thần kinh hông to, biểu hiện bởi cảm giác đau dọc theo đường đi của thần kinh tọa: đau tại cột sống thắt lưng lan tới mặt ngoài đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mắt cá ngoài và tận ở các ngón chân. Tùy theo vị trí tổn thương mà hướng lan của đau có khác nhau.

Thường gặp đau thần kinh tọa một bên, ở lứa tuổi lao động (30-50 tuổi). Trước

kia tỷ lệ nam cao hơn nữ, song các nghiên cứu năm 2011 cho thấy tỷ lệ nữ cao hơn nam.

  1. NGUYÊN NHÂN

Đau thần kinh tọa thường do chèn ép rễ thần kinh, thường là do thoát vị đĩa đệm gian đốt sống, bất thường về xương (ví dụ, u xương cột sống, thoái hóa đốt sống), hẹp ống sống, hoặc ít thường xuyên hơn là khối u trong tủy sống hoặc áp xe trong tủy sống.

Chèn ép có thể xảy ra bên trong ống tủy hoặc ở lỗ liên hợp. Các rễ thần kinh cũng có thể bị chèn ép bên ngoài cột sống, trong khung chậu hoặc mông. Rễ thần kinh L5-S1, L4-L5, và L3-L4 thường bị ảnh hưởng nhất.

  1. TRIỆU CHỨNG VÀ DẤU HIỆU CỦA ĐAU THẦN KINH TỌA

Ở những bệnh nhân bị đau thần kinh tọa, đau lan dọc theo đường dây thần kinh tọa (triệu chứng liên quan đến rễ dây thần kinh L4, L5 và S1), thường lan xuống mông và dọc mặt sau chân đến dưới đầu gối.

Đau thường cảm giác là rát, cảm giác kim đâm. Đau có thể xảy ra khi có hoặc không có đau thắt lưng. Nghiệm pháp Valsalva hoặc ho có thể làm tăng đau do thoát vị đĩa đệm. Bệnh nhân có thể có cảm giác tê và đôi khi yếu ở chân bị bệnh.

Chèn ép rễ thần kinh có thể gây ra bất thường cảm giác, vận động, hoặc khách quan nhất là bất thường phản xạ. Thoát vị đĩa đệm L5-S1 có thể ảnh hưởng đến phản xạ gân gót; thoát vị L3-L4 có thể ảnh hưởng đến phản xạ gân gối.

  • Một số nghiệm pháp:

+ Hệ thống điểm đau Valleix, dấu chuông bấm dương tính.

+ Dấu hiệu Lasègue dương tính.

+ Các dấu hiệu khác có giá trị tương đương dấu hiệu Lasègue: dấu hiệu Chavany, dấu hiệu Bonnet.

+ Phản xạ gân xương: Phản xạ gân bánh chè giảm hoặc mất trong tổn thương rễ L4, phản xạ gân gót giảm hoặc mất trong tổn thương rễ S1.

  1. CHẨN ĐOÁN XÁC ĐỊNH
  • Đánh giá lâm sàng: đau lan dọc theo đường dây thần kinh tọa (triệu chứng liên quan đến rễ dây thần kinh L4, L5 và S1), thường lan xuống mông và dọc mặt sau chân đến dưới đầu gối.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) cột sống thắt lưng: nhằm xác định chính xác dạng tổn thương cũng như vị trí khối thoát vị, mức độ thoát vị đĩa đệm, đồng thời có thể phát hiện các nguyên nhân ít gặp khác (viêm đĩa đệm đốt sống, khối u, ...).
  • Nếu có tổn thương thần kinh hoặc nếu các triệu chứng vẫn còn > 6 tuần, cần làm thêm điện cơ giúp phát hiện và đánh giá tổn thương các rễ thần kinh.
  • Chụp Xquang thường quy cột sống thắt lưng: ít có giá trị chẩn đoán nguyên nhân. Đa số các trường hợp Xquang thường quy bình thường hoặc có dấu hiệu thoái hóa cột sống thắt lưng, trượt đốt sống.
  • Các xét nghiệm về dấu hiệu viêm trong xét nghiệm máu âm tính, các chỉ số sinh hóa thông thường không thay đổi. Tuy nhiên cần chỉ định xét nghiệm bilan viêm, các xét nghiệm cơ bản nhằm mục đích loại trừ những bệnh lý như viêm nhiễm, ác tính và cần thiết khi chỉ định thuốc.
  1. ĐIỀU TRỊ ĐAU THẦN KINH TỌA

Nằm giường cứng, tránh các động tác mạnh đột ngột, mang vác nặng, đứng, ngồi

Mát xa liệu pháp.

Thể dục trị liệu: những bài tập kéo giãn cột sống, xà đơn treo người nhẹ. Bơi, một số bài tập cơ lưng giúp tăng cường sức mạnh cột sống.

Đeo đai lưng hỗ trợ nhằm tránh quá tải trên đĩa đệm cột sống.

Thuốc giảm đau không opioid (ví dụ, NSAID, acetaminophen) có thể dùng kéo dài đến 6 tuần. Thuốc giảm đau thần kinh, như gabapentin, các thuốc chống co giật khác hoặc thuốc chống trầm cảm ba vòng có thể làm giảm các triệu chứng. Cần lưu ý ở người cao tuổi, bệnh nhân rối loạn nhịp tim và những người có bệnh thận mạn tính.

Tiêm corticosteroid ngoài màng cứng: giảm đau do rễ trong bệnh thần kinh tọa, có thể tiêm dưới hướng dẫn của màn huỳnh quang tăng sáng hoặc CT.

  • Phẫu thuật cho các trường hợp nặng

Phẫu thuật chỉ được chỉ định cho hội chứng đuôi ngựa hoặc thoát vị đĩa đệm rõ kèm theo một trong những yếu tố sau đây:

Yếu cơ trở nên tồi tệ hơn hoặc không phục hồi.

Tổn thương thần kinh tiến triển.

Đau không thể chữa khỏi, khó chữa, ảnh hưởng đến công việc hoặc chức năng cá nhân ở một bệnh nhân ổn định về cảm xúc và không giảm sau 3 tháng điều trị bảo tồn.

  1. PHÒNG BỆNH

Giữ tư thế cột sống thẳng đứng khi ngồi lâu hoặc lái xe, có thể mang đai lưng hỗ trợ.

Tránh các động tác mạnh đột ngột, sai tư thế, mang vác nặng.

Luyện tập bơi lội hoặc yoga giúp tăng sức bền và sự linh hoạt khối cơ lưng.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Thị Ngọc Lan; “Đau cột sống thắt lưng và đau thần kinh tọa do thoát

vị đĩa đệm”; Bệnh học Nội khoa. NXB Y học, tập 2, 2008; trang 343-354.

2. Bradley WG, et al; “Neurology in Clinical Practice”; 5th ed. Philadelphia, Pa.:

Butterworth-Heinemann Elsevier; 2008.

Sisältöjulkaisija