Xuất bản thông tin

null Nhiễm trùng tiểu ở phụ nữ

Trang chủ Chi tiết bài viết

Nhiễm trùng tiểu ở phụ nữ

Nhiễm trùng tiểu là tình trạng viêm nhiễm các cơ quan, bộ phận của đường tiết niệu do vi khuẩn như viêm thận, áp-xe thận, viêm đài - bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo…

Nhiễm trùng tiểu (Urinary Tract Infection, UTI) là tình trạng viêm nhiễm các cơ quan, bộ phận của đường tiết niệu do vi khuẩn như viêm thận, áp-xe thận, viêm đài - bể thận, viêm bàng quang, viêm niệu đạo…

Nhiễm trùng tiểu xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn ở nam giới (gấp 4-5 lần) do cấu trúc giải phẫu hệ tiết niệu của phụ nữ có niệu đạo ngắn hơn nam giới, đồng thời lại nằm gần âm đạo nên dễ bị nhiễm vi khuẩn, đặc biệt ở phụ nữ đã có quan hệ tình dục.

Theo thống kê, 50% phụ nữ bị nhiễm trùng tiểu ít nhất một lần trong đời. Tỉ lệ phụ nữ mang thai bị nhiễm trùng tiểu còn cao hơn, do thay đổi nội tiết tố trong thai kì.

1. Nhiễm trùng tiểu có nguy hiểm với nữ giới không?

Người bệnh nhiễm trùng tiểu có biểu hiện sốt, đau hông lưng, đau tức bụng dưới, tiểu buốt, tiểu gấp, tiểu lắt nhắt, có thể tiểu ra máu sẽ ảnh hưởng tới sinh hoạt, công việc hàng ngày, thậm chí cả chuyện chăn gối.

Viêm niệu đạo, viêm bàng quang nếu không được điều trị kịp thời có thể gây viêm lên các cơ quan gần đó như viêm thận, bể thận cấp tính hay mạn tính. Nặng hơn có thể gây áp -xe thận, viêm mủ bể thận, nhiễm trùng huyết từ đường tiết niệu, suy thận… thậm chí tử vong. Ở phụ nữ có thai, nhiễm trùng tiểu không được điều trị kịp thời có thể gây sanh non, sảy thai.

2. Nguyên nhân gây nhiễm trùng tiểu ở nữ giới?

Chủ yếu là do vi khuẩn, thường xâm nhập theo đường viêm ngược dòng từ niệu đạo, bàng quang rồi lan lên thận. Tác nhân thường gặp nhất là Escherichia Coli, sau đó là Proteus mirabilis, Enterobacter, Citrobacter, Chlamydia, lậu, Klebsiella…

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị nhiễm trùng tiểu ở nữ giới bao gồm: sỏi thận, sỏi niệu quản, sỏi bàng quang, ứ trệ nước tiểu, bệnh đái tháo đường, dị dạng đường tiết niệu, suy giảm miễn dịch, thai kì, mãn kinh, già yếu... Ngoài ra, vệ sinh không đúng cách sau khi giao hợp hoặc khi hành kinh... cũng dễ bị viêm nhiễm đường tiết niệu.

3. Chẩn đoán và điều trị bệnh như thế nào?

Chẩn đoán nhiễm trùng tiểu cần kết hợp giữa thăm khám lâm sàng, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, cấy nước tiểu, siêu âm ổ bụng… theo chỉ định của bác sĩ. Việc điều trị bệnh ở giai đoạn sớm và nhẹ rất đơn giản. Bác sĩ sẽ kê toa kháng sinh phù hợp với từng bệnh nhân và tư vấn cụ thể về việc dùng thuốc cũng như cách chăm sóc vùng kín phù hợp.

Người bệnh không nên tự ý điều trị, nhất là dùng thuốc kháng sinh không theo chỉ định của bác sĩ, vì dễ dẫn đến tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.

4. Phòng ngừa nhiễm trùng tiểu ra sao?

- Giữ vệ sinh cá nhân, đặc biệt là trong kì kinh nguyệt, trước và sau khi giao hợp.

- Không lạm dụng các chất gây kích ứng niệu đạo như ngâm rửa vùng kín bằng xà phòng quá nhiều, hay lạm dụng nước hoa, chất khử mùi, mĩ phẩm vùng kín không rõ thành phần…

- Uống nhiều nước và không nhịn tiểu sẽ giúp tống xuất vi khuẩn khỏi đường tiểu.

- Đi đại tiện nên lau hậu môn từ trước ra sau, tránh dây vi khuẩn từ hậu môn hoặc phân vào lỗ tiểu.

- Tránh mặc quần chật, đặc biệt là đồ lót quá chật. Chọn đồ lót có chất liệu thoáng mát, thường xuyên thay, giặt sạch và phơi ngoài trời nắng.

- Loại bỏ các nguyên nhân gây nhiễm trùng tiểu như sỏi thận, sỏi siệu quản, sỏi bàng quang… và các bệnh lý liên quan khác.

Theo BS Trần Thị Ngọc Châu – Khoa KB BVĐHYD – Cơ Sở 3

Người sưu tầm: BS Hà Ngọc Diễm

Khoa Nội TH - BVĐK Đồng Tháp

Nguồn: http://www.bvdaihoc.com.vn/Home/ViewDetail/2552

Có thể bạn quan tâm