Xuất bản thông tin

null Một vài điều cần biết về tràn mủ màng phổi ở trẻ em

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Một vài điều cần biết về tràn mủ màng phổi ở trẻ em

Vào giữa tháng 3 năm 2024 Khoa Hồi sức Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp tiếp nhận và điều trị 1 trường hợp trẻ bị tràn mủ màng phổi ...

BS.CKII. TRẦN QUỐC LỢI

KHOA HỒI SỨC NHI-SƠ SINH - BỆNH VIỆN ĐK ĐỒNG THÁP

* Vào giữa tháng 3 năm 2024 Khoa Hồi sức Nhi - Sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp tiếp nhận và điều trị 1 trường hợp trẻ bị tràn mủ màng phổi. Bệnh nhi nữ N.L.K B. (25 tháng) nhập viện ngày 15/03/2024. Khai thác bệnh sử ghi nhận bé bệnh 07 ngày, lúc đầu bé sốt, ho ít, nổi mụn mủ da, có điều trị ở phòng khám tư nhưng bệnh không giảm, bé còn sốt cao, ho nhiều hơn nên nhập viện. Tại Bệnh viện, bé được thăm khám, kết hợp làm thêm xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi và Siêu âm ngực ghi nhận bé có tràn dịch màng phổi (P) lượng nhiều. Các Bác sĩ tiến hành chọc hút dịch mủ bằng kim, sử dụng kháng sinh, sau đó đặt ống dẫn lưu màng phổi. Hiện tại, sau 07 ngày điều trị, tình trạng bé ổn định (không sốt, dẫn lưu khoang màng phổi không ra mủ thêm) và đang tiếp tục điều trị với kháng sinh, vật lý trị liệu hô hấp và rửa màng phổi.

Hình ảnh X Quang ngực thẳng, chọc hút mủ và dẫn lưu màng phổi

ở bệnh nhi N. L. K. B

* Một vài điều cần biết về tràn mủ màng phổi ở trẻ em

Tràn mủ màng phổi ở trẻ em là tình trạng bệnh lý gây nên bởi quá trình viêm kèm theo tích mủ trong khoang màng phổi do các vi khuẩn sinh mủ. Bệnh thường xuất hiện sau viêm phổi. Nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, mủ trong khoang màng phổi sẽ tạo thành các khoang vách, để lại hậu quả lâu dài, ảnh hưởng đến khả năng giãn nở của phổi và chức năng hô hấp của trẻ.

Bệnh nhi được chẩn đoán tràn mủ màng phổi khi có biểu hiện sốt và khó thở, kèm hội chứng ba giảm ở vùng phổi bị tràn mủ: rung thanh giảm, rì rào phế nang giảm và gõ đục. Trẻ nhỏ chỉ có 2 dấu hiệu gõ đục và rì rào phế nang giảm. Chọc dò màng phổi thấy có mủ. Xét nghiệm máu ngoại biên phát hiện sự gia tăng số lượng bạch cầu nói chung và tỷ lệ bạch cầu đa nhân trung tính nói riêng, tốc độ máu lắng cũng tăng. Chụp X-quang phổi thẳng và nghiêng thấy hình ảnh góc sườn hoành bị tù (mờ nhiều hay ít tuỳ mức độ tràn mủ) hoặc hình ảnh vách hoá khoang màng phổi. Siêu âm khoang màng phổi thấy hình ảnh tràn dịch toàn bộ hay vách hoá tạo thành ổ cặn.

Trong 90% trường hợp, tràn mủ màng phổi khởi đầu bằng biểu hiện ho và sốt, giống như trong các bệnh nhiễm khuẩn hô hấp thông thường. Những triệu chứng không điển hình này khiến việc chẩn đoán bệnh ở giai đoạn đầu trở nên khó khăn. Nhiều gia đình chỉ đưa con đến khám bác sĩ khi khi khoang màng phổi đã có rất nhiều mủ, gây khó khăn cho quá trình điều trị. Để đề phòng tình trạng này, khi trẻ có biểu hiện sốt, ho và khó thở, gia đình nên đưa bé đi khám bác sĩ để có chẩn đoán chính xác và kịp thời.

Tràn mủ màng phổi là bệnh lý hoàn toàn có thể điều trị khỏi. Nếu trẻ đến viện sớm, việc điều trị có thể bao gồm dùng kháng sinh hoặc kết hợp kháng sinh với chọc hút dịch mủ bằng kim hoặc dẫn lưu mủ khoang màng phổi.

Trường hợp trẻ đến viện muộn, khi dịch mủ đã tạo thành các khoang vách, thì chọc hút hay dẫn lưu sẽ không kết quả. Lúc này, trẻ cần được phẫu thuật để làm sạch mủ trong khoang màng phổi, phá bỏ các vách ngăn, tạo điều kiện cho phổi giãn nở. Tuy nhiên, phẫu thuật mở ngực ở trẻ nhỏ tiềm ẩn nhiều nguy cơ và về lâu dài vẫn ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của trẻ. Ngoài ra, trẻ còn có nguy cơ bị dày dính màng phổi sau này.

* Tài liệu tham khảo

1. Tràn mủ màng phổi – Phác đồ điều trị Nhi khoa 2020, Bệnh viện Nhi Đồng 1.

2. Tràn mủ màng phổi – Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Nhi khoa 2020, Tập 1, Bệnh viện Nhi Đồng Thành Phố.

3. Viêm mủ màng phổi ở trẻ nhỏ – căn bệnh không hề hiếm gặp, Bệnh viện Nhi Trung Ương, https://benhviennhitrunguong.gov.vn/viem-mu-mang-phoi-o-tre-nho-can-benh-khong-he-hiem-gap.html.

Banner 365

Có thể bạn quan tâm