Xuất bản thông tin

null Tìm hiểu về sa tạng chậu ở phụ nữ

Chi tiết bài viết Chi tiết bài viết

Tìm hiểu về sa tạng chậu ở phụ nữ

Các cơ quan vùng chậu bao gồm âm đạo, tử cung, bàng quang, niệu đạo và trực tràng. Các cơ quan này được giữ cố định bởi các cơ của sàn chậu

  1. Kiến thức cơ bản về sa tạng chậu:
  1. Các cơ quan vùng chậu và cấu trúc nâng đỡ:

Các cơ quan vùng chậu bao gồm âm đạo, tử cung, bàng quang, niệu đạo và trực tràng. Các cơ quan này được giữ cố định bởi các cơ của sàn chậu và sự nâng đỡ của các lớp mô liên kết vùng chậu. Sa cơ quan vùng chậu (POP) xảy ra khi cơ và cấu trúc mô liên kết vùng sàn chậu không còn có thể hỗ trợ các cơ quan vùng chậu làm chúng bị sa xuống.

  1. Nguyên nhân nào gây ra sa cơ quan vùng chậu?

Nguyên nhân chính của POP là do mang thai và sinh con qua đường âm đạo có khả năng làm suy yếu các cơ của sàn chậu. Những nguyên nhân khác gây ra các vấn đề về nâng đỡ vùng chậu bao gồm: mãn kinh, lão hóa và nâng vật nặng nhiều lần. Các nguyên nhân gây tăng áp lực lên ổ bụng có thể gây ra POP bao gồm: thừa cân hoặc béo phì, táo bón hoặc phải gắng sức khi đại tiện tình trạng ho mãn tính do hút thuốc, hen suyễn hoặc các bệnh lý khác.POP có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng hầu hết phụ nữ mắc phải tình trạng này từ sau thời kỳ mãn kinh.

  1. Các triệu chứng của sa cơ quan vùng chậu là gì?

Các triệu chứng có thể xuất hiện dần dần và có thể không được phát hiện ở giai đoạn đầu. Nhiều phụ nữ không có triệu chứng và không biết mình bị sa. Bác sĩ sản phụ khoa có thể phát hiện ra khối sa trong khi khám sức khỏe.

Khi POP nhẹ, đôi khi có thể sờ thấy khối phồng bên trong âm đạo. Đối với những trường hợp POP nặng, các cơ quan có thể đẩy ra khỏi âm đạo và gây nên một số triệu chứng có thể gặp phải như:

  • Cảm thấy tức nặng vùng chậu hoặc đầy bụng
  • Các cơ quan sa ra ngoài âm đạo
  • Rò rỉ nước tiểu (tiểu không kiểm soát)
  • Cảm giác bàng quang còn nước tiểu sau khi tiểu tiện
  • Khó khăn khi đại tiện
  • Đau vùng lưng dưới
  • Khó khăn khi đặt thuốc âm đạo hoặc đặt băng vệ sinh tampon
  1. Có cần điều trị sa cơ quan vùng chậu không?

Nhiều phụ nữ không cần điều trị. Khi kiểm tra sức khỏe thường xuyên, bác sĩ sẽ theo dõi vấn đề. Nếu các triệu chứng trở nên khó chịu, có thể cần điều trị. Quyết định điều trị dựa trên các yếu tố sau:

  • Tuổi tác
  • Mong muốn sanh con
  • Hoạt động tình dục
  • Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng
  • Mức độ sa tạng chậu
  • Các vấn đề sức khỏe khác

Không có hình thức điều trị nào được đảm bảo để giải quyết triệt để vấn đề, nhưng có thể làm giảm nhẹ triệu chứng. Khi có chỉ định điều tr, bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa sản phụ khoa và bác sĩ chuyên khoa tiết niệu.

  1.  Điều trị sa tạng chậu:
  1. Làm cách nào để giảm các triệu chứng?
  • Hạn chế rượu và đồ uống có chứa caffeine
  • Cần bổ sung chất xơ và nước uống trong chế độ ăn uống nếu có các vấn đề về đường ruột như táo bón hay thường xuyên phải gắng sức khi đại tiện và có thể sử dụng thuốc nhuận trường khi cần thiết.
  • Giảm cân khoa học và kiểm soát cân nặng hợp lý nếu thừa cân hoặc béo phì, có thể giúp cải thiện sức khỏe tổng thể và cải thiện các triệu chứng sa tạng chậu.
  • Tập luyện bàng quang (tiểu tiện vào thời gian đã định) cũng có thể giúp ích cho những phụ nữ mắc chứng tiểu không tự chủ.
  1. Các bài tập Kegel trong hỗ trợ điều trị giảm triệu chứng sa tạng chậu được thực hiện như thế nào?

Cách thực hiện:

  • Thực hiện động tác bóp các cơ thắt niệu đạo (ngăn dòng chảy của nước tiểu). Sự co thắt này kéo âm đạo và trực tràng lên và trở lại vị trí giải phẫu.
  • Giữ trong 3 giây, sau đó thư giãn trong 3 giây.
  • Thực hiện 10 lần co thắt / 1 lần tập, ít nhất ba lần tập mỗi ngày.
  • Tăng mức giữ co thắt của bạn thêm 1 giây mỗi tuần, cố gắng thực hiện lên đến 10 giây.
  • Đảm bảo không gồng cơ bụng, cơ đùi hoặc cơ mông; không nín thở khi thực hiện bài tập này.
  1. Vòng pessary là gì?

Pessary là một dụng cụ được đưa vào âm đạo để nâng đỡ các cơ quan vùng chậu. Các triệu chứng được cải thiện rõ rệt khi đặt vòng nâng đúng cách. Pessary có nhiều hình dạng và kích cỡ, có thể được sử dụng để điều trị ngắn hạn hoặc dài hạn. Sự lựa chọn dụng cụ này dựa trên các triệu chứng của phụ nữ và loại sa tạng chậu.

  1. Phẫu thuật có thể khắc phục các vấn đề hỗ trợ vùng chậu không?

Phẫu thuật có thể là một lựa chọn cho những phụ nữ không thấy giảm triệu chứng với các phương pháp điều trị không phẫu thuật. Phẫu thuật có thể làm giảm một số, nhưng không phải tất cả các triệu chứng. Có hai loại phẫu thuật: 1) phẫu thuật phục hồi sàn chậu (surgery to repair the pelvic floor) và 2) phẫu thuật làm ngắn, thu hẹp hoặc đóng âm đạo (surgery to shorten, narrow, or close off the vagina).

  1. Bệnh sa cơ quan vùng chậu có thể tái phát sau khi phẫu thuật không?

Có nguy cơ sa tạng chậu sẽ tái phát sau khi phẫu thuật. Các yếu tố nguy cơ gây sa nhiều lần bao gồm: < 60 tuổi, thừa cân và mắc các dạng sa tạng chậu nặng hơn lần phẫu thuật đầu tiên.

Bs Đoàn Phú Vinh - Khoa Phụ Sản, Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Tài liệu tham khảo:

Bài viết: https://www.acog.org/womens-health/faqs/pelvic-support-problems

Hình 1: https://plo.vn/sa-tang-chau-nu-20-tuoi-chua-sinh-no-van-bi-post503004.html

Hình 2: https://sannhiag.vn/dat-vong-nang-pessary-trong-benh-ly-san-chau-va-doa-sanh-non/

Banner 365

Có thể bạn quan tâm