Agrégateur de contenus

null Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em

Trang chủ Chi tiết bài viết

Thiếu máu do thiếu sắt ở trẻ em

Sắt là một thành phần không thể thiếu trong việc hình thành các khoáng chất, protein và huyết tương. ...

I. Sắt là chất gì?

         Sắt là một thành phần không thể thiếu trong việc hình thành các khoáng chất, protein và huyết tương. Loại vi chất này là nhân tố tham gia vào quá trình tổng hợp hemoglobin - một protein trong máu giúp vận chuyển oxy từ phổi đến các tế bào, đồng thời, tham gia vào nhiều quá trình sinh học khác trong cơ thể.

II. Vai trò của sắt đối với cơ thể

  • Tạo hồng cầu: Tham gia vào quá trình tạo hồng cầu - tế bào máu quan trọng giúp vận chuyển Oxy và CO2 trong quá trình hô hấp.
  • Dự trữ oxy cho cơ: Sắt là thành phần tạo nên myoglobin - một loại protein giúp cơ bắp giữ và dự trữ oxy để sử dụng khi cần thiết.
  • Hô hấp tế bào: Thông qua các enzym như catalase và peroxidase, sắt tham gia vào quá trình hô hấp của tế bào.
  • Vận chuyển electron: Tham gia vào việc vận chuyển electron trong các quá trình sinh học, bao gồm cytochrome và mitochondrial dehydrogenase.
  • Thành phần của hệ miễn dịch: Là thành phần cấu trúc của một số enzym trong hệ miễn dịch, giúp hỗ trợ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh.
  • Thành phần của men quan trọng: Đây là một thành phần không thể thiếu của một số loại men quan trọng trong cơ thể.
  • Phát triển trí não: Trẻ em cần sắt để não bộ phát triển toàn diện, đặc biệt là trong giai đoạn phát triển sớm.

III. Nguyên nhân thiếu máu thiếu máu do thiếu sắt

     - Thiếu cung cấp và tăng nhu cầu: bé sinh non, suy dinh dưỡng bào thai, trẻ dưới 2 tuổi, trẻ có chế độ ăn dặm chứa ít sắt, nữ giai đoạn dậy thì, phụ nữ mang thai là những đối tượng có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt.

     - Thiếu chất vận chuyển: thiếu transferrin máu bẩm sinh, thiếu vitamin C, viêm nhiễm do vi trùng.

     - Kém hấp thu: bệnh lý tiêu hóa mạn tính như tiêu chảy kéo dài, viêm dạ dày, ruột, nhiễm giun móc, nhiễm Helicobacter pylori.

     - Xuất huyết: xuất huyết tiêu hóa mạn tính kéo dài, bệnh polype ruột.

IV. Biểu hiện thiếu máu thiếu sắt

- Giai đoạn sớm: xuất hiện từ từ phụ thuộc vào mức độ thiếu máu, không có triệu chứng lâm sàng, chỉ có thay đổi trên kết quả xét nghiệm.

- Giai đoạn muộn:

 + Da xanh xao, niêm mạc môi, lòng bàn tay, lòng bàn chân nhợt nhạt.

 + Rối loạn thần kinh: trẻ hay quấy khóc, vật vã, chán ăn, ngủ ít, sinh hoạt chậm chạp, kém minh mẫn, chóng mặt, hay quên, nhức đầu, ù tai.

 + Rối loạn vận động: giảm phát triển vận động, giảm trương lực cơ, chậm biết ngồi, đứng, đi, bắp thị nhão, bụng chướng

 + Rối loạn khác: tóc dễ gãy rụng, móng tay, chân biến dạng(dẹp, lõm, dễ tách lớp), đau nhức xương, dễ nhiễm trùng vì hệ miễn dịch suy giảm

V. Biểu hiện cận lâm sàng

Công thức máu: Hb<11g/dl

Khối lượng trung bình hồng cầu: MCV <78fl

Nồng độ Hb trung bình: MCH <28pg

Ferritin <12ng/ml

VI. Điều trị

     - Điều trị bù sắt liều sắt nguyên tố 4-6mg/kg/ngày, trẻ nhũ nhi nên chọn dạng siro, nhỏ giọt. Bù đường uống có ưu điểm đơn giản, dễ hấp thu, hiệu quả nhanh, an toàn, ít tác dụng phụ.

     - Truyền máu khi thiếu máu nặng và Hb<5g/dl, kèm thieo suy dinh dưỡng trầm trọng hoặc bệnh lý nhiễm trùng toàn thân.

 * Một số lưu ý khi bổ sung sắt cho cơ thể

  • Thời điểm phù hợp nhất để uống sắt là trước hoặc sau khi ăn 1 - 2 giờ. Hãy uống thật nhiều nước
  • Cơ thể chỉ hấp thu sắt ở dạng Fe2+. Uống nước cam sẽ giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt nhất vì Vitamin C trong cam có khả năng khử Fe3+ thành Fe2+.
  • Không nên uống canxi, uống sữa cùng lúc với thuốc sắt vì chúng làm giảm khả năng hấp thụ sắt trong cơ thể.
  • Không nên cùng lúc uống chế phẩm bổ sung sắt với: thực phẩm giàu chất xơ (ngũ cốc nguyên hạt, rau sống), thực phẩm chứa caffeine (cà phê, trà). Nên đợi ít nhất 1 - 2 giờ sau khi ăn/uống những thực phẩm này.
  • Chế phẩm bổ sung sắt có thể ảnh hưởng đến tác dụng của một số thuốc dùng chung như kháng sinh nhóm quinolon, tetracyclin, thuốc kháng acid dạ dày, hormon tuyến giáp. Hãy thông báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ nếu đang dùng các loại thuốc này.

* Tác dụng phụ có thể gặp khi bổ sung sắt và cách xử lý

  • Táo bón và tiêu chảy: Thường xảy ra khi uống các chế phẩm chứa sắt.
  • Đi ngoài phân đen: Đây là dấu hiệu bình thường khi uống thuốc bổ sung sắt, tuy nhiên hãy đi khám ngay nếu phân có màu hắc ín hoặc xuất hiện các vệt đỏ.
  • Buồn nôn và nôn: Điều này có thể xảy ra ở liều cao
  • Ố răng: Thuốc sắt lỏng như siro có thể gây ố răng.

Đặc biệt, việc lạm dụng chế phẩm sắt trong thời gian dài dẫn đến dư thừa có thể dẫn đến nhiều bệnh lý nguy hiểm bao gồm:

  • Tổn hại chức năng gan.
  • Mắc các bệnh tim mạch.
  • Thay đổi sắc tố da.
  • Đái tháo đường.
  • Một số hội chứng liên quan đến thần kinh.
  • Chính vì vậy, cần hỏi ý kiến bác sĩ và dược sĩ để được tư vấn cách bổ sung sắt đúng cách, đúng liều lượng, nhằm hạn chế tối đa các tác dụng phụ không mong muốn.

VII. Phòng bệnh

Bổ sung sắt cho dối tượng có nhu cầu cao: trẻ sinh non, trẻ dưới 12 tháng,

Hướng dẫn chế độ ăn dặm cho trẻ từ 6 tháng

Hạn chế dùng sữa bò tươi ở trẻ dưới 12 tháng, hạn chế trẻ 1-5 tuổi uống >600ml sữa/ngày, ăn đủ cử ăn có dồi dào thực phẩm có sắt

Chế độ ăn hàng ngày

- Cơ thể không thể tự tổng hợp được sắt mà cần được bổ sung gián tiếp thông qua chế độ ăn hàng ngày. Dưới đây là một số nguồn thực phẩm lành mạnh chứa nhiều sắt:

  • Gan và các loại nội tạng khác: Nội tạng động vật gồm gan, não và tim chứa nhiều sắt. Một miếng gan bò nặng 100g có thể chứa đến khoảng 6,5mg sắt, chiếm đến 36% nhu cầu cơ thể.
  • Các loại đậu: Đậu nành, đậu Hà Lan, đậu lăng là những nguồn bổ sung sắt lý tưởng. Một cốc đậu lăng chín (khoảng 200g) chứa 6,6mg sắt tương ứng.
  • Các loại động vật có vỏ: Động vật có vỏ như nghêu, sò, ốc,… chứa hàm lượng sắt cao. Một con nghêu nặng 100g có thể cung cấp đến 3mg sắt.
  • Thịt đỏ: Các loại thịt như thịt lợn, thịt bò, thịt dê là nguồn bổ sung sắt rất tốt, đồng thời cung cấp kẽm, protein và một số vitamin nhóm B quan trọng.
  • Rau bina: 100g rau bina chứa khoảng 2,7mg sắt, tương đương 15% nhu cầu cơ thể mỗi ngày. Rau bina còn chứa nhiều vitamin C - nhân tố giúp cải thiện tình trạng kém hấp thu sắt.
  • Bông cải xanh: Ngoài cung cấp sắt, cải xanh còn chứa hàm lượng cao vitamin C để hỗ trợ cơ thể hấp thu sắt một cách tốt nhất. Chúng cũng chứa nhiều chất xơ và vitamin K.
  • Một số thực phẩm khác: Bí ngô, diêm mạch, gà tây, cá, đậu phụ, quả bơ, socola đen,…

Bổ sung sắt từ chế độ ăn hàng ngày (Nguồn: Internet)

BS. Nguyễn Thị Trúc Ngân, Khoa HS Nhi-SS - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp

Agrégateur de contenus