Sisältöjulkaisija

null Phẫu thuật thành công trường hợp bệnh nhân lồng ruột hiếm gặp

Trang chủ Chi tiết bài viết

Phẫu thuật thành công trường hợp bệnh nhân lồng ruột hiếm gặp

Ngày 09/4/2024, các Bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã tiếp nhận, chẩn đoán và phẫu thuật thành công cho bệnh nhân lồng ruột kèm sa tạng chậu hiếm gặp. ...

Ngày 09/4/2024, các Bác sĩ Khoa Ngoại tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp đã tiếp nhận, chẩn đoán và phẫu thuật thành công cho bệnh nhân lồng ruột kèm sa tạng chậu hiếm gặp.

Bệnh nhân là H.T.C (88 tuổi, ngụ tại Mỹ Quý, Tháp Mười, Đồng Tháp) vào viện vì khối sa vùng hậu môn khoảng 6x8 cm, kèm đau bụng, nôn ói nhiều. Bệnh nhân được người nhà đưa đến nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp với bệnh cảnh lâm sàng điển hình của tắc ruột kèm với tình trạng sa tạng chậu. Việc khai thác tiền sử, bệnh sử trên bệnh nhân khá khó khăn do mắc chứng lú lẫn tuổi già, không làm chủ được hành vi, không nhận thức được tình trạng sức khỏe bản thân. Nhận định đây là trường hợp bệnh khó, các Bác sĩ đã tiến hành các xét nghiệm, siêu âm ổ bụng, chụp cắt lớp vi tính. Kết quả bệnh nhân được chẩn đoán lồng ruột do u đại tràng sigma.

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu dưới sự phối hợp của nhiều chuyên khoa. Trong khi phẫu thuật, các Bác sĩ phát hiện khối u đại tràng sigma khoảng 3x4 cm, gây lồng đại tràng sigma - trực tràng một đoạn khoảng 20 cm, đoạn ruột lồng sa ra ngoài qua ngả hậu môn khoảng 8 cm. Các Bác sĩ đã tiến hành phẫu thuật cắt đoạn đại tràng chứa khối u, rửa đại tràng trong mổ, thực hiện khâu nối đại tràng. Ca phẫu thuật thành công sau hơn 2 giờ thực hiện. Sau mổ bệnh nhân được chăm sóc và theo dõi sát, sử dụng phối hợp kháng sinh cũng như chế độ dinh dưỡng đặc biệt. Hiện tại, sức khỏe bệnh nhân đã hoàn toàn hồi phục và được xuất viện.

BS.CKII. Lê Văn Bé Ba - Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp, phẫu thuật viên chính cuộc mổ cho biết: “Đây là trường hợp bệnh lý khá hiếm gặp, các Bác sĩ đã gặp nhiều khó khăn trong quá trình phẫu thuật. Ban đầu ê-kíp dự kiến phẫu thuật cắt đoạn đại tràng và làm hậu môn nhân tạo cho bệnh nhân, nhưng do bệnh nhân mắc chứng sa sút trí tuệ tuổi già, không kiểm soát được hành vi nên việc chăm sóc hậu môn tạm sẽ gặp nhiều hạn chế. Sau khi hội chẩn, các Bác sĩ đã thống nhất rửa đại tràng và thực hiện phẫu thuật một thì cho bệnh nhân”

Hình ảnh bệnh nhân và người thân trong ngày ra viện

Khác với lồng ruột ở trẻ nhỏ có thể sử dụng phương pháp bơm hơi tháo lồng hoặc phẫu thuật. Còn đối với lồng ruột ở người lớn thì chỉ có phương pháp phẫu thuật mới giải quyết được dứt điểm nguyên nhân gây lồng ruột và tránh nguy cơ tái phát cho người bệnh. Đây là một ca bệnh khó, để chẩn đoán chính xác đòi hỏi các bác sĩ phải có trình độ chuyên môn cao, đồng thời cần có hệ thống máy móc hiện đại mới có thể nhanh chóng, kịp thời cứu sống người bệnh.

Lồng ruột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Ở người lớn, chiếm tỷ lệ từ 1-5%  các trường hợp lồng, trẻ nhỏ chiếm tỷ lệ khoảng 90%. Các trường hợp lồng ruột ở người lớn thì có tới hơn 90% nguyên nhân do u, chủ yếu là u ruột non và đại tràng, một số khác do có túi thừa meckel, manh tràng di động…. Vì hiếm gặp ở người lớn nên đa phần các ca lồng ruột ở người lớn thường bị bỏ sót, chẩn đoán muộn, gây thủng ruột, nhiễm trùng dẫn đến tử vong. Do vậy, các bác sĩ khuyến cáo người bệnh khi xuất hiện đau bụng từng cơn, có thể có buồn nôn hoặc nôn, cần đến các cơ sở y tế để thăm khám và điều trị kịp thời./.

BS.CKI. Đặng Phúc Nguyên - Khoa Ngoại Tổng hợp

Sisältöjulkaisija