Asset Publisher

null Rắn cắn ở trẻ em: nguy hiểm và cách xử trí đúng

Trang chủ Post details

Rắn cắn ở trẻ em: nguy hiểm và cách xử trí đúng

Rắn cắn là một cấp cứu y khoa nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ em do cơ thể nhỏ bé và dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi nọc độc. ...

Rắn cắn là một cấp cứu y khoa nghiêm trọng, đặc biệt ở trẻ em do cơ thể nhỏ bé và dễ bị ảnh hưởng nặng nề bởi nọc độc. Việc nhận biết dấu hiệu rắn cắn, xử trí đúng cách và phòng tránh có vai trò vô cùng quan trọng nhằm mục đích là không để lại các di chứng đáng tiếc cho trẻ.

1. CÁC LOẠI RẮN CẮN PHỔ BIẾN Ở TRẺ EM TẠI VIỆT NAM

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung, Đồng Tháp nói riêng với hệ thống sông ngòi, là điều kiện thích hợp cho sự phát triển của các loại rắn.

- Rắn không độc: Thường là rắn nước, rắn ráo... Vết cắn có thể gây sưng nhẹ nhưng không nguy hiểm.

- Rắn độc: Có 3 họ rắn độc chính bao gồm: Rắn hổ (Elapidae), rắn lục (Viperidae) và rắn biển (Hydrophiinae). Những cái tên tiêu biểu tại miền Nam bao gồm: rắn chàm quạp, hổ mang, hổ đất, hổ mèo, cạp nong, cạp nia, rắn lục đuôi đỏ (lục tre)... chúng có thể gây suy hô hấp, rối loạn đông máu, hoại tử mô tùy vào loại nọc độc của loại rắn đó. Có 2 loại nọc độc: nhóm gây rối loạn đông máu (chàm quạp, lục tre) và nhóm gây liệt, suy hô hấp (rắn hổ, cạp nong, cạp nia, rắn biển)

Rắn hổ                                    Rắn lục tre                                            Rắn biển

Hình 1. Hình dáng 3 họ rắn độc chính và các loại rắn tiêu biểu

2. TRIỆU CHỨNG RẮN CẮN

a. Rắn không độc: Vết cắn có hai hàng răng nhỏ, không có dấu răng nanh. Sưng nhẹ, không có dấu hiệu toàn thân.

b. Rắn độc: Vết cắn có dấu răng nanh, đau nhức, sưng nhanh.

Hình 2. Phân biệt vết cắn do rắn lành (bên trái) và rắn độc (bên phải)

+ Rắn hổ mang, cạp nia, rắn biển: Diễn biến nhanh: Sụp mi (xuất hiện sớm nhất), mắt mờ, nói khó, nuốt khó, nặng hơn là yếu liệt chi, khó thở, liệt cơ hô hấp, ngưng thở.

+ Rắn lục, chàm quạp: Gây chảy máu kéo dài, không cầm, xuất huyết dưới da. Phù nề, hoại tử lan nhanh, bóng nước.

3. CÁCH SƠ CỨU KHI TRẺ BỊ RẮN CẮN

Những việc CẦN làm:

✅ Giữ bình tĩnh, trấn an trẻ.

✅ Bất động chi bị cắn, đặt thấp hơn tim để làm chậm hấp thu độc tố.

✅ Rửa sạch vết cắn bằng nước sạch, tránh nặn máu.

✅ Nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện, cố gắng nhớ và mô tả hình dạng rắn hoặc chụp ảnh nếu an toàn. Nếu có thể, mang theo con rắn được nhốt trong rọ.

Những việc KHÔNG nên làm vì không hiệu quả, có thể gây nhiễm trùng, tăng hấp thu độc tố và chảy máu tại chỗ:

❌ Không rạch vết cắn, nặn máu.

❌ Không hút nọc độc bằng miệng.

❌ Không buộc garo quá chặt, vì có thể làm hoại tử chi.

❌ Không dùng thuốc lá, đắp thuốc nam lên vết cắn.

4. ĐIỀU TRỊ RẮN CẮN Ở BỆNH VIỆN

- Tất cả các trường hợp rắn cắn, ngay cả khi người nhà mô tả rắn lành phải được theo dõi tại bệnh viện trong 24 giờ đầu, ít nhất 12 giờ

- Truyền huyết thanh kháng nọc rắn nếu cần.

- Hỗ trợ hô hấp trong trường hợp rắn hổ cắn.

- Chăm sóc vết thương tránh hoại tử.

- Nhiều trường hợp trẻ em đã được cứu sống nhờ điều trị kịp thời bằng huyết thanh kháng nọc.

5. PHÒNG TRÁNH RẮN CẮN Ở TRẺ EM

✅ Dọn dẹp sân vườn, không để bụi rậm gần nhà.

✅ Mang giày, tất cao, đội mũ rộng vành khi đi chơi ở khu vực có rắn.

✅ Không cho trẻ chơi gần bụi cây, ao hồ vào buổi tối.

✅ Dạy trẻ nhận biết rắn độc và cách phản ứng nếu gặp rắn. Rắn sẽ không tấn công người nếu không bị khiêu khích, nên dùng gậy dài xua đuổi rắn

Rắn cắn ở trẻ em có thể nguy hiểm nhưng nếu biết cách sơ cứu sớm, đúng cách và đưa trẻ đến bệnh viện kịp thời, nguy cơ tử vong và biến chứng sẽ giảm đáng kể. Các phương pháp sơ cứu truyền thống sẽ dẫn đến nhiều nguy hại cho trẻ. Quan trọng nhất là phòng tránh và nâng cao nhận thức để bảo vệ trẻ khỏi nguy hiểm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Y tế (2014), Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị rắn lục xanh đuôi đỏ cắn (Cryptelytrops albolabris)

2. Bạch Văn Cam, Phác đồ điều trị Nhi khoa 2020 tập 1: Rắn cắn. Nhà xuất bản Y học; 2020

ThS.BSCKI. Nguyễn Khánh Thuận, Khoa HS Nhi-SS - Bệnh viện ĐK Đồng Tháp

Related Assets