Cảnh báo mùa hè: Hướng dẫn xử trí đúng cách khi trẻ em bị đuối nước
Khi phát hiện trẻ bị ngạt nước, điều quan trọng nhất là phản ứng nhanh và đúng cách. Dưới đây là các bước sơ cứu cần thiết: ...
Đồng Tháp nằm giữa vùng Đồng bằng sông Cửu Long - khu vực chằng chịt sông ngòi, kênh rạch, ao hồ. Đây là lợi thế lớn cho đời sống và sản xuất nông nghiệp, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, đặc biệt là với trẻ em trong mùa hè.
Mỗi năm, cứ đến thời điểm các em được nghỉ hè, tình trạng trẻ bị ngạt nước, đuối nước lại gia tăng đáng kể. Nhiều trường hợp đau lòng xảy ra chỉ vì phút lơ là, thiếu kiến thức sơ cứu ban đầu hoặc hiểu lầm cách xử trí khiến trẻ mất đi cơ hội sống sót quý giá.
I. XỬ TRÍ ĐÚNG CÁCH KHI TRẺ BỊ ĐUỐI NƯỚC
Khi phát hiện trẻ bị ngạt nước, điều quan trọng nhất là phản ứng nhanh và đúng cách. Dưới đây là các bước sơ cứu cần thiết:
1. Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi nước
Hãy cố gắng tiếp cận an toàn và đưa trẻ lên bờ càng sớm càng tốt.
2. Đặt trẻ ở nơi khô ráo, thoáng khí
Tránh tụ tập đông người xung quanh, để không khí lưu thông và dễ quan sát.
3. Kiểm tra ngay tình trạng hô hấp của trẻ
Nếu trẻ bất tỉnh, kiểm tra xem trẻ còn thở không bằng cách quan sát lồng ngực có di động không.
Nếu không thở (lồng ngực không di động): tiến hành hồi sức tim phổi (CPR) ngay:
-
-
- Ấn tim ngoài lồng ngực (ở nửa dưới xương ức).
- Kết hợp ấn tim và thổi ngạt theo tỉ lệ:
-
+ 30 lần ép tim / 2 lần thổi ngạt nếu chỉ có 1 người sơ cứu.
+ 15/2 nếu có 2 người.
-
-
- Sau 2 phút, đánh giá lại: trẻ có thở chưa? Môi có hồng không? Có phản ứng khi lay gọi hay kích thích đau không?
- Nếu chưa hồi phục, tiếp tục cấp cứu trên đường chuyển đến cơ sở y tế.
-
Nếu trẻ còn thở, hãy:
-
- Đặt trẻ ở tư thế nằm nghiêng một bên để tránh hít sặc nếu trẻ nôn ói.
- Cởi bỏ quần áo ướt, giữ ấm cơ thể bằng khăn hoặc chăn khô.
4. Đưa trẻ đến cơ sở y tế càng sớm càng tốt
Ngay cả khi trẻ có vẻ tỉnh táo trở lại, vẫn cần đưa đi kiểm tra y tế vì nguy cơ suy hô hấp thứ phát có thể xảy ra vài giờ sau khi bị ngạt nước.
II. NHỮNG VIỆC KHÔNG NÊN LÀM
Khi sơ cứu, một số hành động phản khoa học có thể gây hại thêm cho trẻ:
- Xốc nước (dốc ngược để tống nước ra): Không cần thiết và không nên làm. Lượng nước trong phổi thường không nhiều và sẽ được tống ra tự nhiên khi trẻ tự thở lại. Việc xốc nước còn làm chậm thời gian cấp cứu và tăng nguy cơ hít sặc.
- Lăn lu, hơ lửa, hoặc bấm huyệt không có căn cứ y học cũng không giúp trẻ hồi tỉnh và dễ bỏ lỡ thời điểm vàng để cứu sống trẻ.
- Không thổi ngạt - ép tim ngay sau khi vớt lên: Rất nhiều trường hợp đã bị mất cơ hội sống vì chậm trễ trong việc cấp cứu tim phổi.
Kết quả là, trẻ được đưa đến cơ sở y tế trong tình trạng thiếu oxy não kéo dài, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong.
III. PHÒNG NGỪA LÀ CÁCH TỐT NHẤT
Tai nạn đuối nước hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu mỗi gia đình, mỗi cộng đồng nâng cao ý thức. Dưới đây là một số biện pháp phòng ngừa hiệu quả:
- Không để trẻ nhỏ chơi gần sông, hồ, kênh rạch khi không có người lớn giám sát.
- Rào chắn, che đậy an toàn các ao hồ, giếng nước gần nhà.
- Dạy bơi cho trẻ từ sớm tại các cơ sở uy tín, có người hướng dẫn chuyên môn.
- Tổ chức các buổi tập huấn sơ cứu đuối nước tại trường học, khu dân cư.
- Luôn trang bị áo phao hoặc vật nổi khi cho trẻ đi chơi gần nước.
- Giám sát trẻ liên tục, đặc biệt vào mùa nước nổi, mùa hè.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bạch Văn Cam, Phác đồ điều trị Nhi khoa 2020 tập 1: Ngạt nước. Nhà xuất bản Y học; 2020.
ThS.BS.CKI. Nguyễn Phương Tâm, Khoa HS Nhi-SS - Bệnh viện ĐK Đồng Tháp