Xuất bản thông tin

null Viêm phổi cộng đồng ở người cao tuổi

Trang chủ Chi tiết bài viết

Viêm phổi cộng đồng ở người cao tuổi

Khi thời tiết thay đổi hoặc vào những lúc giao mùa, người cao tuổi hay mắc nhiều bệnh, đặc biệt các bệnh lý về đường hô hấp. Trong đó, viêm phổi là dạng bệnh thường gặp nhất

Khi thời tiết thay đổi hoặc vào những lúc giao mùa, người cao tuổi hay mắc nhiều bệnh, đặc biệt các bệnh lý về đường hô hấp. Trong đó, viêm phổi là dạng bệnh thường gặp nhất.

Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh, viêm phổi thường được chia làm 2 loại: viêm phổi mắc phải tại cộng đồng (bao gồm các nhiễm khuẩn phổi xảy ra ở ngoài bệnh viện) và viêm phổi mắc phải tại bệnh viện (bao gồm các nhiễm khuẩn phổi xuất hiện sau nhập viện 48 giờ). Cách phân loại này giúp cho việc định hướng tác nhân gây bệnh và điều trị được tối ưu hơn. Ở bài viết này chỉ đề cập viêm phổi cộng đồng thường gặp ở người cao tuổi.

1. Viêm phổi là gì?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng của nhu mô phổi, có thể gặp ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện nhiều hơn ở người cao tuổi và trẻ nhỏ.

Bệnh thường xảy ra về mùa đông hoặc khi tiếp xúc với lạnh. Tuổi cao, nghiện rượu bia, hút thuốc lá, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, suy giảm miễn dịch là các yếu tố nguy cơ viêm phổi.

2. Nguyên nhân của viêm phổi?

Tác nhân gây viêm phổi có thể do vi khuẩn, virus, vi nấm, khói bụi (môi trường ô nhiễm, khói bếp, thuốc lá, thuốc lào), hít sặc (thức ăn, nước ao hồ), khí độc (hơi xăng dầu), ít vận động, nằm lâu, nhiều trường hợp chỉ cần viêm họng sau đó cũng dễ bị viêm phổi. 

Viêm phổi ở người cao tuổi thường gặp nhất do nhiễm khuẩn, nhiễm virus. Khi sức đề kháng của cơ thể suy giảm hoặc sau một đợt nhiễm virus đường hô hấp trên, niêm mạc đường dẫn khí hô hấp bị tổn thương làm cho vi khuẩn, virus dễ dàng xâm nhập, tấn công vào phổi và gây bệnh. Thường gặp là vi khuẩn không điển hình như Moraxella catarrhalis, Legionella pneumophila, Chlamydia pneumoniae, Mycoplasma pneumoniae, bên cạnh đó là một số vi khuẩn điển hình như phế cầu, Haemophilus influenzae, Staphylococcus aurues, trực khuẩn gram âm gây viêm phổi rất nặng.

Ngoài ra, virus như virus cúm thông thường, virus gây hội chứng nhiễm trùng hô hấp cấp (SARS), virus cúm gia cầm, corona virus là điều đáng lo ngại nhất ở người cao tuổi vì những người này thường có bệnh lý mạn tính đi kèm, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và lây lan nguy hiểm.

3. Tại sao người cao tuổi dễ bị viêm phổi?

Sự lão hóa và tuổi tác tiến triển dần theo thời gian làm cho các bộ phận, cơ quan của người cao tuổi suy yếu. Phổi và phế quản bị lão hóa, xơ hóa dần, khả năng đàn hồi, giãn nở kém đi. Vì thế chức năng hô hấp cũng kém hơn.

Chức năng của hệ miễn dịch suy giảm, nhất là khi quá trình lão hóa diễn ra ngày càng rõ rệt hơn. Nên người cao tuổi rất dễ bị viêm nhiễm, đặc biệt ở những người phải hóa trị hay phải dùng thuốc kháng viêm kéo dài.

Người cao tuổi thường có các bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp, di chứng đột quỵ, Parkinson, Alzheimer… nên nguy cơ bị viêm nhiễm đường hô hấp cao hơn. Các bệnh mạn tính ở phổi như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, xơ nang, giãn phế quản… cũng làm cho chức năng và miễn dịch hô hấp suy giảm trầm trọng do vậy làm gia tăng tỷ lệ viêm phổi.

Người cao tuổi nếu phải phẫu thuật, vì cần có thời gian chữa lành vết thương, người bệnh phải nằm lâu, sử dụng thuốc giảm đau nhiều… sẽ làm cho động tác hít thở nông hơn nên gây ứ đọng đàm nhớt, tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh.

Vì thế, cần phải theo dõi sát sức khỏe của người cao tuổi và sớm có biện pháp phòng ngừa thích hợp ngay từ đầu.

4. Dấu hiệu nhận biết viêm phổi ở người cao tuổi ?

Dấu hiệu của viêm phổi ở người cao tuổi rất khác so với người trẻ. Nhiều trường hợp người bệnh không sốt cao, thậm chí không sốt, nhất là những người tuổi cao, sức yếu, lú lẫn, ít vận động hoặc đi lại khó khăn, ăn uống thất thường.

Ho là triệu chứng hay gặp nhất, đặc biệt là ở những người cao tuổi có bệnh mạn tính về đường hô hấp (viêm họng mạn tính, giãn phế quản, hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính). Ho có đờm lỏng hoặc đặc quánh, một số trường hợp có dính ít máu, nhưng cũng có trường hợp không ho.

Ngoài ra còn tức ngực và khó thở nhẹ hoặc điển hình như thở nhanh nông, đôi khi có thở rít, cánh mũi phập phồng.

Người bệnh thường có dấu hiệu mất nước (môi khô, lưỡi trắng, má hóp, da nhăn nheo).

Chẩn đoán chính xác cần xét nghiệm máu, chụp X-quang phổi và nuôi cấy đàm, chất nhầy phế quản để xác định vi khuẩn gây bệnh, trên cơ sở đó chọn kháng sinh thích hợp.

5. Cần phải điều trị viêm phổi như thế nào?

Khi nghi ngờ bị viêm phổi, cần đến khám tại cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt bởi vì nếu để muộn có thể gây nguy hiểm cho người bệnh, một trong số đó là suy hô hấp, phổi sẽ tổn thương nặng, ảnh hưởng lên các cơ quan khác của cơ thể và thậm chí có thể tử vong nhất là viêm phổi do virus.

Người bệnh không nên tự ý mua thuốc để điều trị, nhất là kháng sinh bởi vì dùng kháng sinh không đúng chỉ định thì bệnh không những không khỏi mà còn gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và dễ kháng thuốc.

6.  Phòng ngừa:

Viêm nhiễm đường hô hấp và bệnh cúm ở người già có xu hướng gia tăng, nhất là khi giao mùa hay có dịch cúm. Do vậy, tiêm vắc-xin ngừa cúm nên được thực hiện đều đặn 1 năm/lần, tiêm ngừa phế cầu 5 năm/lần ở người > 65 tuổi, mắc bệnh lý tim phổi mạn tính, đái tháo đừờng, suy thận nặng, suy giảm miễn dịch. Người chăm sóc cũng như các thành viên khác trong gia đình cũng được khuyến cáo tiêm ngừa vắc xin chống viêm phổi.

Ngoài ra, lối sống lành mạnh cũng giúp phòng tránh viêm phổi. Những thói quen tốt này sẽ giúp cho sức khỏe và hệ miễn dịch tăng lên, vừa giúp ngăn ngừa bệnh tật, đồng thời giúp kiểm soát được bệnh mãn tính kèm theo:

- Nơi ở phải thông thoáng, giữ ấm cổ ngực trong mùa lạnh và tránh tiếp xúc nhiều với không khí lạnh.

- Đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc và giữ khoảng cách khi tiếp xúc người bệnh, tránh nơi tập trung đông người.

- Giữ vệ sinh răng miệng, tai mũi họng sạch và thoáng. Rửa tay thường xuyên với xà phòng.

- Duy trì việc tập thể dục hàng ngày để nâng cao sức khỏe, tùy điều kiện của từng người. Những người bị liệt cần được vận động bằng cách nâng dậy và xoa bóp các cơ bắp, bụng và tập hít thở sâu để phục hồi các chức năng của phổi.

- Bỏ thói quen hút thuốc là, uống rượu bia vì đó là nguyên nhân gây phá hủy phổi, giảm chức năng hô hấp của cơ thể, đồng thời tăng nguy cơ mắc bệnh lý viêm nhiễm khác.

- Kiểm soát cân nặng và chế độ dinh dưỡng hợp lý, uống đủ nước, ăn nhiều hoa quả và rau xanh thay cho các món ăn nhiều đạm, tinh bột, dầu mỡ.

Kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như hen suyễn, suy tim, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...là các bệnh thường gặp của người cao tuổi.

Trường hợp đang điều trị tại bệnh viện về các bệnh phổi nên tập cách thở sâu, giúp cho phổi làm việc tốt và nhanh phục hồi nhất là sau khi phẫu thuật.

7. Kết luận:

Viêm phổi là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan nhiễm khuẩn và là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ 5 ở người cao tuổi. Có một số các yếu tố nguy cơ của viêm phổi mắc phải ở người cao tuổi đã được báo cáo như nghiện rượu, bệnh lý phổi và tim, người cao tuổi sống ở nhà dưỡng lão và rối loạn nuốt. Người cao tuổi khi đã mắc bệnh viêm phổi thường có triệu chứng bệnh âm thầm, phức tạp nhưng thường diễn tiến nhanh và có nhiều biến chứng nặng, việc điều trị cũng khó khăn và lâu dài vì người cao tuổi thường có các bệnh mạn tính đi kèm. Do vậy, việc phòng bệnh viêm phổi khi thời tiết thay đổi đột ngột rất quan trọng, nhằm ngăn ngừa tối đa mức tăng nặng của bệnh và biến chứng nguy hiểm gây tử vong.

Bs Phạm Thị Ngọc Duyên

Khoa Nội Hô Hấp-Cơ Xương Khớp - BVĐK Đồng Tháp

Nguồn:

1. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn

(Ban hành kèm theo Quyết định số 4815 /QĐ-BYT ngày 20 tháng 11 năm 2020)

2.https://syt.binhdinh.gov.vn/index.php/vi/news/y-te-du-phong/viem-phoi-o-nguoi-cao-tuoi-nguyen-nhan-va-cach-phong-322.html

3. http://benhvienlaokhoa.vn/cap-nhat-viem-phoi-benh-vien-o-nguoi-cao-tuoi

Có thể bạn quan tâm